Bất thường ở mắt khi mang thai

Khi mang thai, sự thay đổi hormon sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận trên cơ thể người mẹ. Mắt cũng bị ảnh hưởng do có nhiều mạch máu nhỏ, vốn nhạy cảm với những biến động huyết học trong thai kỳ.

 Hầu hết các vấn đề ở mắt thường biến mất sau khi sinh. Ảnh minh họa
Hầu hết các vấn đề ở mắt thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, thai phụ cần cẩn trọng khi mắt có những triệu chứng do biến chứng của các bệnh khác. Do đó, cần chú ý khi nhận thấy những dấu hiệu sau:

Sưng mắt: Trong ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ thấy mắt sưng phù và khó nhìn mọi vật. Nguyên nhân do sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Sưng mắt thường đi kèm với sưng phù tay, chân. Ngoài ra, mắt có thể sẽ phù nặng hơn nếu cơ thể thiếu nước và ăn nhiều muối. Để giảm sưng phù, bạn nên uống đủ nước (khoảng 1,8 - 2 lít nước/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh các món ăn quá mặn.

Mờ mắt: Khi mang thai, giác mạc và thủy tinh thể trở nên dày hơn, làm cho quá trình tuần hoàn máu ở vùng mắt bị hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến mắt bị giảm thị lực. Hiện tượng này thường biến mất sau khi sinh. Nếu mắt mờ gây ảnh hưởng đến công việc, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được tư vấn, dùng kính hỗ trợ thị giác trong suốt thai kỳ.

Nốt sần trong mí mắt: Khi mang thai, tuần hoàn máu ở vùng mắt bị hạn chế, dễ gây tắc nghẽn, tạo thành những nốt sần trong mí mắt. Ngoài ra, một số vi khuẩn hoạt động dưới mí mắt cũng gây nên những nốt sần. Đối với thai phụ thường xuyên trang điểm mắt, hiện tượng này phổ biến hơn. Do đó, nên hạn chế kẻ viền mí mắt khi trang điểm. Đồng thời, thai phụ nên hạn chế ăn chất béo và uống nhiều đồ mát.

Khô mắt: Những đốm sáng trước mắt hoặc mắt nhoè đi khi nhìn lâu, xốn, chảy nước mắt sống, nhức... đó là những dấu hiệu cho thấy mắt bị khô. Để hạn chế tình trạng này, có thể nhỏ nước muối sinh lý nếu khô mắt nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trong trường hợp mắt đau nhiều, người bệnh cần phải đi khám ở cơ sở chuyên khoa mắt, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Phù võng mạc: Bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây biến chứng trên mạch máu võng mạc. Giai đoạn đầu, mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị phình ra. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến co, bong võng mạc, mù, thậm chí gây biến chứng nghiêm trọng đến não.

Do đó, thai phụ bị bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường cần được theo dõi sức khoẻ chặt chẽ, kiểm tra mắt thường xuyên. Như thế, bác sĩ sẽ sớm phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường, giúp thai phụ tránh những biến chứng đáng tiếc.

Bác sĩ  Hồng Hạnh

Nhận dạng các chất gây biến dạng bào thai

Các chất này rất đa dạng, nhưng phần lớn là các chất kích thích, được giới chuyên môn gọi bằng cái tên teratogens như hóa chất, các chất gây ô nhiễm có trong môi trường mà sản phụ tiếp xúc hay sử dụng trong thời kỳ mang thai.

1. Rượu

   Rượu được xếp đầu danh sách các hợp chất teratogens bởi nó có tác động rất lớn đối với bào thai. Trước tiên, làm cho trẻ chậm phát triển tâm thần, gây dị tật bẩm sinh, đầu nhỏ, mặt nhỏ và nhiều dị tật khác trên khuôn mặt và ở tứ chi, trẻ sinh thiếu cân, thiếu tháng và rất nhiều tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Vì mối nguy hiểm này mà khi mang thai người mẹ hãy tránh xa rượu.

2. Nicotin

Nicotin là hóa chất dễ gây nghiện có nhiều trong thuốc lá. Khi người mẹ hút thuốc, nicotin ngấm vào máu, qua nhau thai đi vào bào thai và nếu thời gian phơi nhiễm nicotin càng lâu thì em bé cũng mắc chứng nghiện, tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy hô hấp do thiếu oxy, bào thai phát triển không bình thường, chậm lớn, phát sinh tình trạng đẻ non, nhẹ cân khi sinh và nhiều hậu quả lâu dài khác khi trẻ trưởng thành.

 Khi mang thai không được sử dụng thuốc lá và rượu. Ảnh minh họa
3. Cocaine và amphetamin

Đây là nhóm thuốc kích thích thần kinh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào thần kinh. Nếu lạm dụng có thể tạo các khối u nang trong não của trẻ, tăng khuyết tật khi sinh, thai chết lưu và trẻ sinh ra dễ mắc chứng nghiện, phát triển hành vi khác thường, trí não trẻ phát triển kém, ngỗ ngược và nhiều ảnh hưởng khác đến tâm tính khi trưởng thành.

4. Các loại virút

Một số loại virút dưới đây được xem là rất nguy hiểm cho phụ nữ giai đoạn mang thai như virút gây bệnh sởi Đức hay còn gọi là rubella, virút cytomegalovirus (CMV), virút gây bệnh herpes và varicella zoster virút (VZV). Đây là 4 loại virút phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có rủi ro lây nhiễm cao thậm chí có tới 90% số trẻ sinh nhiễm vi rút CMV mà không hề có bất kỳ dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài. Thủ phạm gây nhiều mối nguy như khuyết tật tim bẩm sinh, điếc, mù ở trẻ nếu nhiễm virút rubella, gây kém phát triển não, vôi hóa trong não, mù điếc nếu nhiễm CMV và virút herpes hoặc mắc bệnh viêm phổi nếu nhiễm virút VZV. Phụ nữ trước khi mang thai cần tư vấn bác sĩ phương pháp phòng ngừa hoặc tiêm phòng vắc-xin nếu được phép.

5. Khuẩn gây bệnh giang mai

Khuẩn giang mai thường lây lan qua đường tình dục, đây là loại khuẩn cực nhỏ hình xoắn ốc, có tên là Treponemes. Nếu không được điều trị bệnh giang mai có thể phát triển qua 3 giai đoạn lâm sàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sản phụ lẫn trẻ sơ sinh. Đối với người mẹ nó sẽ đi vào dòng máu sau đó truyền sang cho trẻ, gây sảy thai, thai chết lưu hoặc chết trong vòng vài ngày sau sinh. Nếu qua khỏi sẽ mắc phải nhiều bệnh nan y trong đó có bệnh viêm màng não, viêm da và một số bệnh bẩm sinh. Bởi vậy khi mang thai người mẹ phải điều trị dứt điểm căn bệnh này hoặc không nên mang thai khi đang mắc bệnh.

6. Toxoplasma

Toxoplasma là động vật nguyên sinh đơn bào, nó có thể gây nhiễm trùng các loại động vật. Mèo được xem là động vật trung gian gây lan truyền Toxoplasma mạnh nhất ngoài ra có thể bị mắc bệnh do ăn uống không hợp vệ sinh, không đun sôi, nấu chín, có thói quen ăn thịt sống... Nếu trong giai đoạn mang thai bị nhiễm Toxoplasma có thể gây sảy thai, thai chết lưu, trẻ kém phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, nếu nặng có thể gây liệt não mù bẩm sinh.

7. Các loại thuốc nhóm X

Cũng theo FDA, phụ nữ mang thai không nên dùng các loại thuốc nhóm X bởi rủi ro gây quái thai rất cao. Trong nhóm thuốc này có Thalilomide dùng để chữa an thần và chống nôn nên được người ta lạm dụng, đặc biệt là chữa bệnh “ốm nghén”. Hiện tượng thường thấy là trẻ sinh ra có tứ chi phát triển không bình thường. khuyết tật nội tạng và phát triển méo mó khuôn mặt. Năm 1960 người ta đã rút thuốc này khỏi thị trường, thậm chí năm 2005 ở Anh người ta còn dựng tượng đứa trẻ bị dị tật do người mẹ dùng Thalilomide để cảnh báo mọi người hãy tránh xa loại thuốc này. Ngoài Thalilomide trong nhóm thuốc nói trên còn có thuốc tránh thai, thuốc chữa bệnh sinh sản, thuốc điều trị bệnh trứng cá, thuốc chống ung thư và chữa bệnh động kinh.

8. Các loại loại thuốc nhóm D

Các loại thuốc nhóm D (Category D.Dry) đã được Cục Quản lý và Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm không dùng cho phụ nữ khi mang thai vì nó có thể gây hiện tượng quái thai.

9. Các loại hóa chất

Trong nhóm hóa chất, thủy ngân hữu cơ (mythyl mercury) được xem là nguy hiểm nhất đối với quá trình phát triển của bào thai, bởi nó gây ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, chậm phát triển tâm thần. Nặng có thể gây mù mắt, hợp chất này có trong cá, trong nguồn nước và khi người mẹ dùng, các chất độc này sẽ truyền sang cho đứa trẻ. Tiếp đến là nhiễm độc chì, sử dụng liều iốt kali quá lớn (có trong xirô chống ho, thuốc uống để chẩn đoán X-quang). Nhiễm độc PCB (Polychlorinated biphenyls) có trong các sản phẩm giặt, xà phòng, bảo quản thực phẩm… Để hạn chế khuyết tật khi sinh thì nên sống trong môi trường trong lành, không nên ăn cá nhiễm thủy ngân, nguồn nước ô nhiễm cũng như hoa quả nhiễm độc hoặc có chứa hàm lượng hóa chất cao.

10. Bức xạ ion hóa

Bức xạ ion hóa (Ionizing radiation) là mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe sinh sản. Theo đó người mẹ chỉ cần tiếp xúc trong thời gian ngắn có thể dẫn đến tình trạng phát triển trí não bất thường, chậm phát triển tâm thần, gây bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh. Nên thận trọng, kỹ thuật chẩn đoán bằng X-ray có mức độ bức xạ nhỏ, nhưng quét vi tính (CT) thì chỉ một lần quét có mức bức xạ cao gầp 10 lần khám X - quang, vì vậy khi mang thai nên hạn chế các thủ thuật này.

Khắc Hùng

Theo AKR – 3/2012

Xét nghiệm chẩn đoán thai nhi nhiễm rubella

Từ đầu năm đến nay có rất nhiều thai phụ mắc Rubella ở khắp các địa phương trong cả nước. Đây là bệnh rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì có thể gây sinh non, sẩy thai, thai chết lưu, suy dinh dưỡng bào thai và đặc biệt là Rubella bẩm sinh (Trẻ bị nhiễm Rubella trước khi sinh có nguy cơ bị một hoặc nhiều dị tật, bệnh lý bẩm sinh như: Điếc, hở hẹp van tim, hẹp động mạch phổi, khuyết tật ở mắt: như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh lý ỡ võng mạc; Các dị tật về xương dài, tật đầu nhỏ, bại não, dị dạng ở não, phổi, cơ khớp; Chậm phát triển về tâm thần, thể lực; Các bất thường ở gan, lá lách…

 Trẻ bị rubella bẩm sinh có nguy cơ bị dị tật.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng 2.045 thai phụ mắc rubella. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào nguồn lây bệnh, dấu hiệu lâm sàng như sốt, phát ban… và xét nghiệm sinh hóa miễn dịch. Tuy nhiên, do thai phụ thường đến khám muộn, không rõ phát ban và một số dấu hiệu khác nên không xác định được thời điểm mắc rubella và nguy cơ ảnh hưởng đối với thai nhi. Do đó số thai phụ xin phá thai rất cao, trong đó có thể có trường hợp thai nhi không nhiễm Rubella.

Để hạn chế tối đa tỉ lệ phá thai do nghi nhiễm Rubella, từ cuối tháng 6/2011, Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thử nghiệm và triển khai phương pháp chọc dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi rút rubella bằng kỹ thuật sử dụng Kit và máy PCR real – time, cho kết quả chính xác đến 95%. Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch ối (khoảng 1,5-2ml) của các bà mẹ mắc vi rút Rubella sau 5-7 tuần kể từ khi mẹ có biểu hiện sốt phát ban, sau đó tách chiết RNA của vi rút,  rồi chạy máy PCR real - time để phân tích kết quả thai nhi có nhiễm Rubella hay không.

Theo nghiên cứu đánh giá 5 ca chọc ối chẩn đoán thai nhi nhiễm rubella, có 3 trường hợp dương tính, 2 trường hợp âm tính. Tất cả các xét nghiệm PCR real-time chẩn đoán virus rubella trong nước ối đều phù hợp với kết quả xét nghiệm máu cuống rốn của thai nhi sau khi đình chỉ thai. Đến nay đã có khoảng 70 thai phụ đã được sử dụng xét nghiệm này để chẩn đoán thai nhi có nhiễm rubella hay không.

Phương pháp này được các bác sĩ tư vấn chỉ định ở các đối tượng mắc Rubella như: Phụ nữ mang thai hơn 3 tháng có nguy cơ, các ca mang thai ngoài 17 tuần nguy cơ thấp hơn nếu có yêu cầu, các ca mắc rubella hoặc đã tiêm phòng trong vòng 1 tháng đầu mang thai.         

 Hà Giang

Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng, 25% trường hợp đẻ non là do tăng huyết áp ở sản phụ, trong đó tiền sản giật là nguy hiểm nhất, thậm chí gây tử vong cho mẹ và con.

Xác định dựa vào chỉ số huyết áp

Huyết áp là số đo sức co bóp của tim đẩy máu đi trong động mạch để nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Đối với người bình thường, huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu) từ 90 - 139 mm Hg và huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương) từ 60 - 89 mm Hg. Khi thấp hơn hoặc cao hơn con số này nghĩa là bạn đang có vấn đề về huyết áp, có thể huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Các thai phụ thường hay bị chứng tăng huyết áp (huyết áp cao) nhiều hơn. Đối với người bình thường, huyết áp cao là nguyên nhân của nhiều bệnh như: đái tháo đường, bệnh thận và các chứng tim mạch... Đối với phụ nữ đang trong thời gian thai kì lại càng nguy hiểm hơn bởi vì khi xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp sẽ kèm theo các biến chứng như phù thũng, đẻ non...

Tăng huyết áp (THA) có thể được chẩn đoán dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự THA tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg thì được gọi là THA. Đối với bà mẹ có thai còn có một cách xác định khác, đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 30 mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15 mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai thì có nghĩa là bà mẹ đã bị THA.

 Kiểm tra huyết áp cho phụ nữ mang thai tịa trạm y tế xã Ea Rốc huyện Ea Sup - Đắk Lắk.Ảnh: Hương Xuân

Ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ:

Khi mang thai, có các thay đổi sinh lí về tim, mạch như nhịp tim nhanh, tăng lượng máu, một số bộ phận của cơ thể tăng sinh mạch máu, nên cần lượng máu đi qua nhiều hơn như vú, tử cung, nhau thai…Do đó, người phụ nữ mang thai phải được theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi thai lớn hơn hay bằng 20 tuần tuổi. Chính vì thế, việc theo dõi huyết áp ở người mang thai là vô cùng quan trọng, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Đối với thai phụ: Nếu cùng với chứng huyết áp cao, thai phụ còn bị bệnh tim sẽ dẫn đến suy tim, cản trở chức năng cầm máu, chức năng của thận cũng bị suy giảm dẫn đến hiện tượng chảy máu não, gan tạng bị tổn thương, tiểu cầu cạn kiệt, máu không đông... Ảnh hưởng lớn nhất là việc tác động của nó lên hệ tim mạch dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong.

Đối với thai nhi: Khi người mẹ bị tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thai có thể bị chết lưu trong tử cung, bị ngạt thở và chết do thiếu máu cục bộ hoặc đẻ thiếu tháng...

Những yếu tố thuận lợi gây ra chứng tăng huyết áp

Tăng huyết áp hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng huyết áp như ăn nhiều muối, ít vận động thể lực, béo phì, tăng cholesterol, căng thẳng thần kinh, tâm lý…Bên cạnh đó, tuổi của sản phụ cao (trên 35 tuổi); dòng họ có người bị bệnh; chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng; chửa sinh đôi; thai phụ có nước ối quá nhiều; thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường… cũng là những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, một số bệnh lí mắc phải có thể làm tăng huyết áp ở phụ nữ có thai như: bệnh về thận, tuyến thượng thận, tuyến giáp, bệnh tim mạch, tiểu đương…

 Để an toàn cho cả mẹ và con, những phụ nữ mang thai cần kiểm tra HA thường xuyên.  Ảnh: TL

Các biểu hiện của chứng tăng huyết áp:

Muốn biết chính xác số đo huyết áp phải sử dụng máy đo huyết áp, tuy nhiên nếu thai phụ chú ý quan sát sức khoẻ của bản thân có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24.

Điều trị và phòng ngừa

Khi mang thai người phụ nữ cần phải khám thai thường kỳ và đo huyết áp mỗi lần khám thai. Nếu phát hiện bị tăng huyết áp trước khi mang thai (tăng huyết áp mạn tính) phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng huyết áp.

Tăng huyết áp đơn thuần không có các biểu hiện của tiền sản giật cần theo dõi huyết áp thường xuyên khi khám thai.

Tăng huyết áp trong tiền sản giật (tăng huyết áp + protein niệu + phù) phải được điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nhiều trường hợp điều trị nội khoa không kết quả phải mổ lấy thai sớm vì quyền lợi và sức khỏe của mẹ.

Phòng bệnh tăng huyết áp tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm, thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp của mình trước khi có thai. Tăng huyết áp trong thời kì mang thai là báo động một thai kỳ nguy cơ. Việc quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu có tình trạng tăng huyết áp xảy ra phải được sự can thiệp tốt nhất của bác sĩ nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.      

  Bác sĩ Nguyễn  Vũ

Cách vệ sinh vùng kín

Dưới tác động của sự bài tiết hoóc-môn ở giai đoạn dậy thì, các thiếu nữ gặp phải rất nhiều sự thay đổi trên cơ thể của mình như ngực to lên, hành kinh… thêm vào đó là những biểu hiện bất thường nơi vùng kín. Vậy những dấu hiệu này có thực sự đáng lo và các xử lý ra sao?

Chẳng hạn như sự thay đổi về thể chất dẫn đến sự xáo trộn của các hoócmôn sinh dục. Những vùng não hoạt động tích cực hơn và kích thích buồng trứng. Tuyến sinh dục nữ tiết ra các hoóc môn sinh dục nữ, oestrogene, progesteron.

Ngoài những thay đổi về diện mạo bên ngoài, các thiếu nữ còn có những thay đổi bên trong: cơ quan sinh dục phát triển to lên, hình dáng và hướng của âm hộ thay đổi. Sự thay đổi này dẫn đến việc bộ phận này tiết ra ít hay nhiều khí hư (có màu trắng). Sự xuất hiện khí hư này là hoàn toàn bình thường và các em không nhất thiết phải thay quần và cần vệ sinh liên tục.

 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nếu khí hư ra quá nhiều các em đừng ngần ngại nói với bố mẹ để được đưa đi khám phụ khoa ở bệnh viện.

Chu kỳ kinh thường xuất hiện lần đầu vào năm các em 13 tuổi, 2 năm sau khi ngực của các em bắt đầu phát triển. Cũng có em thấy kinh nguyệt lần đầu vào năm 10 tuổi, có những em thì phải tới tận 15 - 16 tuổi mới thấy (như đã nói ở trên).

Lần đầu hay hành kinh đến quá muộn đều là nỗi niềm lo lắng của các em gái. Có những em kinh nguyệt không đều hoặc bị đau bụng dữ dội khi hành kinh. Nếu trường hợp này kéo dài, các em nên nói với bố mẹ để được đi khám. Những trường hợp đau bụng do hành kinh đều có thể chữa được.

Để giữ vệ sinh vùng kín vào những ngày có kinh, các em có rất nhiều loại băng vệ sinh để lựa chọn. Những loại băng vệ sinh có chất lượng tốt là loại thấm hút rất tốt do đó giúp các em giữ khô vùng kín trong từ 3 - 4 giờ.

Hiện nay có rất nhiều loại băng vệ sinh dạng tròn (tampon) rất hợp cho các em khi đi bơi hoặc chơi thể thao. Ngược lại với một số ý kiến cho rằng loại tampon này có thể làm rách màng trinh, nhưng nếu các em dùng loại cực nhỏ màng trinh sẽ không bị ảnh hưởng. Dù dùng loại băng vệ sinh nào, các em cũng nhớ phải thay và vệ sinh thường xuyên.

Quy tắc chung trong vệ sinh vùng kín là giữ vùng kín luôn vệ sinh là điều không khó, các em hãy ghi nhớ những lời khuyên sau:

- Kinh nguyệt không hề bẩn như các em nghĩ, nó chỉ gây cho các em cảm giác khó chịu. Không cần phải lau rửa lien tục, khoảng 3 - 4 giờ các em thay một lần.

Vào những ngày này các em không cần phải dùng những miếng khăn ướt có tẩm dung dịch vệ sinh hoặc các loại gel, các loại dung dịch chứa nhiều acid này có thể làm tổn thương môi trường âm đạo.

- Những ngày không hành kinh, các em nên vệ sinh vùng kín 1 hoặc 2 lần/ngày.

- Những vấn đề như: đau bụng ngày có kinh, viêm nhiễm hoặc khí hư có mùi... là những triệu chứng mà các em có thể mắc phải từ khi còn là thiếu nữ. Khi gặp phải những trường hợp này, các em nên nói với bố mẹ để được đưa khi khám kịp thời.

BS. HOÀNG TUẤN LONG

Những bất thường ở tử cung

Tử cung là một bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ, là nơi mà trứng đã được thụ tinh sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi. Nếu có bất kỳ sự bất thường nào của tử cung thì cũng đều cản trở quá trình làm tổ của trứng và sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là một số hình thái bất thường ở tử cung hay gặp.

Tử cung có hai khoang bên trong: Mỗi khoang lại dẫn đến cổ tử cung và âm đạo của chính nó; do đó, có đến 2 cổ tử cung và 2 âm đạo. Loại tử cung này là rất hiếm và bạn vẫn có thể thụ thai (H1).

  Những hình thái tử cung bất thường.

Tử cung bằng một nửa bình thường và chỉ có một ống dẫn trứng

. Do hình dạng, nó được gọi là “tử cung một sừng”. Loại này cũng rất hiếm. Nó hình thành ngay từ giai đoạn sớm của cuộc đời, khi mô tạo nên tử cung không phát triển đúng cách. Nếu mang tử cung này, bạn có thể có 2 buồng trứng nhưng chỉ có một là được nối với tử cung. Nếu “tử cung sừng” khỏe mạnh, bạn vẫn có thể thụ thai (H2).

Tử cung hình trái tim: Không mang hình dạng quả lê thông thường, tử cung này có hình dạng một trái tim. Dựa vào hình dạng, tử cung hình trái tim còn được gọi là tử cung 2 sừng. Loại tử cung này không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu thụ thai, em bé sẽ có ít không gian để phát triển so với một tử cung bình thường (H3).

Tử cung có vách ngăn: Các vách ngăn kéo dài tới một phần tử cung hoặc tới tận cổ tử cung. Đôi khi, tử cung có vách ngăn có thể gây vấn đề vô sinh (H4).

Nhận biết tử cung bất thường

Nếu bạn đang có vấn đề về sinh sản, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sản để được thăm khám, kiểm tra tử cung hoặc ống dẫn trứng. Các cách để phát hiện bất thường ở tử cung:

 Tử cung bình thường.

- Siêu âm 3D ở tử cung giúp xác định những bất thường.

- Quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng nhưng phải chắc chắn bạn không mang thai.

- Nội soi ổ bụng cũng giúp phát hiện bất thường ở tử cung. Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt nhỏ ở rốn để quan sát tử cung và ống dẫn trứng.

Khi phát hiện các bất thường ở tử cung, tùy theo từng hình thái, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

  Bác sĩ Bùi Thị Phương

Rối loạn tiểu tiện trong kỳ mang thai

Một số rối loạn về tiểu tiện mà bạn có thể gặp khi mang thai, có dấu hiệu là sinh lý không cần điều trị nhưng cũng có trường hợp là dấu hiệu bệnh lý cần can thiệp.

Trong tuần đầu thụ thai, nồng độ của hoóc-môn progesterone sẽ gia tăng và phôi thai bắt đầu tiết ra hCG. Các cơ của bàng quang và thành tử cung sẽ bị giãn nở ra, trong khi đó lưu lượng máu đến vùng chậu cũng gia tăng. Đó là lý do gây sự sung huyết của các cơ quan vùng chậu, gây kích thích bàng quang. Não bộ nhận ra những tín hiệu như mong muốn đi tiểu ngay cả khi có rất ít nước tiểu trong bàng quang và phát ra tín hiệu được dẫn truyền xuống bàng quang và gây đi tiểu.

Bạn nên thực hiện bài tập Kegel, là bài tập gây co thắt và thư giãn các cơ xung quanh âm đạo của bạn

Dấu hiệu sinh lý

Thường xuyên đi tiểu trong 3 tháng đầu: khi thai của bạn tiến triển quaba tháng đầu tiên, nước được giữ lạinhiều hơn. Tử cung cũng bắt đầu phát triển và bang quang bị giãn ra làm cho não bộ nhận thấy những tín hiệu này như là một mong muốn đi tiểu.

Thường xuyên đi tiểu trong thời gian 3 tháng cuối: trong ba tháng thứhai của thai kỳ, bạn có thể không bịđi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên, saukhoảng 32 tuần, do sự phát triển củabào thai, trọng lực sẽ đặt vào bangquang làm giảm dung tích bàng quang, một lần nữa làm gia tăng cảmgiác muốn đi tiểu.

Tiểu đêm: cũng là dấu hiệu phổ biến và gia tăng theo tuổi thai. Trong một cuộc khảo sát 256 phụ nữ mang thai, 86% số phụ nữ này có chứng tiểu đêm ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân chính của chứng tiểu đêm được cho rằng phụ nữ mang thai tiết ra một lượng lớn natri và nước vào ban đêm hơn so với phụ nữ không mang thai.

Són tiểu: nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy lúng túng khi bị són tiểu trong khi cười, hắt hơi hoặc ho. Một số người bị ảnh hưởng khi thực hiện các hoạt động như chạy hoặc nhảy. Tình trạng này phổ biến và khó xử, gây ra bởi trọng lực của tử cung đè vào bàng quang trong thời kỳ mang thai: tình trạng này cũng được gọi là tiểu không kìm được do căng thẳng.

Sử dụng bài tập Kegel

Mặc dù bạn không có khả năng để loại bỏ chứng tiểu láu hoàn toàn, bạn có thể tăng cường các cơ vùng sàn khung chậu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát hoạt động của bàng quang tốt hơn trong thời kỳ mang thai và sau sinh, hạn chế phần nào sự khó chịu. Để tăng cường hoạt động các cơ vùng sàn chậu, bạn nên thực hiện bài tập Kegel, là bài tập gây co thắt và thư giãn các cơ xung quanh âm đạo của bạn. Bài tập như sau:

- Hãy tưởng tượng rằng bạn đang cố gắng để ngăn chặn không cho “xì hơi” (đánh rắm). Gây siết chặt các cơ vùng sàn chậu.

- Một cách khác là khi đang đi tiểu bạn cố gắng các cơ để làm ngưng tiểu, nếu ngưng tiểu được  là đúng. Làm các bài tập này ít nhất 3 lần một ngày. Mỗi ngày, sử dụng 3 vị trí: nằm, ngồi và đứng. Bạn có thể tập trong khi nằm trên sàn nhà, ngồi tại bàn, hoặc đứng trong nhà bếp. Nên kiên nhẫn, đừng bỏ cuộc. Chỉ cần 5 phút, 3 lần một ngày. Bạn có thể cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang của bạn sau 3 - 6 tuần.

Nếu bạn gặp trở ngại khi thực hiện bài tập này, nên đến bác sĩ. Để hỗ trợ bạn, bác sĩ sẽ áp một dòng điện nhỏ vào các cơ vùng sàn chậu của bạn.

Dòng điện sẽ làm cho các cơ co thắt lại, gây ra cảm giác rù rù ở vùng cơ bị kích thích.

Dấu hiệu bệnh lý

Nhiễm trùng đường tiểu: mặc dù biểu hiện đi tiểu nhiều lần là dấu hiệu phổ biến trong thai kỳ, nhưng cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của nhiễm trùng đường tiểu như viêm bàng quang hoặc viêm thận - bể thận.

Những nhiễm trùng này có thể thấy ở phụ nữ mang thai, vì vậy bạn nên để ý đến sự hiện diện của máu hay thay đổi màu sắc của nước tiểu và cảm giác đau rát khi đi tiểu. Sốt, ớn lạnh là những triệu chứng trong nhiễm trùng đường tiểu, nhưng không phải khi nào cũng có.

BS. NGÔ HỮU LỘC